Trái rạ ở trẻ em: 4 giai đoạn và cách chữa nhanh khỏi

Thủy đậu tên dân gian hay gọi là trái rạ, là bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở nước ta. Đối tượng mắc trái rạ (thuỷ đậu) cũng tương đối đa dạng, đặc biệt là trẻ em. Vậy bệnh trái rạ ở trẻ em có biểu hiện như thế nào? Cách chữa trị ra sao? Mời mẹ tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Trái rạ ở trẻ em

1. Bệnh trái rạ (thủy đậu) là gì?

Bệnh thủy đậu tên dân gian hay gọi là bệnh trái rạ là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết, dịch nốt phỏng của bệnh nhân thuỷ đậu. 

Trái rạ bùng phát theo mùa, thường vào cuối đông, đầu xuân và có thể kéo dài sang cả mùa hè. Đối tượng dễ mắc trái rạ là trẻ em dưới 10 tuổi, bệnh có thể lây lan thành dịch khi các trẻ tiếp xúc với nhau.

Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh là sốt, phát ban, mụn nước trên da, ban mọc thành nhiều đợt cách nhau khoảng 3 – 4 ngày.

Nguyên nhân gây ra trái rạ (thủy đậu) là do Virus Varicella – zoster và nguồn lây bệnh chính là bệnh nhân trái rạ (thủy đậu), đặc biệt trẻ nhỏ có thể mắc bệnh trái rạ (thủy đậu) sau khi tiếp xúc với người lớn bị bệnh Zona.

2. Triệu chứng mắc trái rạ ở trẻ qua 4 giai đoạn

Bệnh trái rạ ở trẻ em diễn biến qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu điển hình sau:

Giai đoạn 1: Thời kỳ nung bệnh 

  • Giai đoạn này thường kéo dài từ 14 – 17 ngày (trung bình 10 – 21 ngày).
  • Thời kỳ nung bệnh hầu như không biểu hiện triệu chứng nào.

Giai đoạn 2: Thời kỳ khởi phát

  • Thông thường kéo dài khoảng 1 ngày 
  • Trẻ nhỏ có thể sốt nhẹ hoặc không, kèm theo đau mỏi cơ khớp, trẻ thường quấy khóc, không chịu chơi. 
  • Một số trường hợp đặc biệt khởi phát sốt cao 39 – 40 độ, mê sảng, co giật, viêm long đường hô hấp trên.

Giai đoạn 3: Thời kỳ toàn phát

  • Trẻ sốt cao, đau đầu, đau cơ, chán ăn và nôn ói.
  • Đây là giai đoạn mọc ban với đặc điểm: ban đầu là ban dát đỏ sau vài giờ hình thành phỏng nước, sau 1 đến 2 ngày phỏng nước ngả vàng. Ban thủy đậu mọc rải rác toàn thân (nhưng chủ yếu tập trung bụng, ngực, mặt trước chân, tay) và mọc nhiều đợt (khoảng 3 – 4 ngày một đợt), giải thích cho hiện tượng tổn thương cũ, mới đan xen.
  • Ở giai đoạn này, trẻ có thể ngứa nhiều tại vùng ban mọc, dễ bị bội nhiễm khi các phỏng nước vỡ (trường hợp bội nhiễm, nốt thuỷ đậu mưng mủ, ngứa, đau và lâu lành).

Giai đoạn 4: Thời kỳ hồi phục

  • Sau khoảng 7 – 10 ngày phát bệnh nếu không có biến chứng trẻ sẽ phục hồi. Các ban, phỏng nước vỡ ra, khô lại và bong vẩy.
  • Quá trình này thường diễn ra khoảng 3 – 4 ngày, sau khi hồi phục dễ để lại vết thâm, sẹo. Để hạn chế thâm sẹo, mẹ có thể lựa chọn một số loại kem bôi ngoài da để hạn chế thâm sẹo cho bé.

3. Một số hình ảnh bệnh trái rạ (thủy đậu) ở trẻ

Hình ảnh trái rạ ở trẻ
Hình ảnh ban trái rạ ở trẻ em rải rác vùng vùng đầu, mặt (tổn thương mới, cũ đan xen).

 

Hình ảnh thủy đậu ở trẻ
Hình ảnh ban thủy đậu diễn biến theo thời gian

4. Bệnh trái rạ ở trẻ có thể gây biến chứng nguy hiểm

Bệnh trái rạ ở trẻ em là một bệnh lý lành tính, tuy nhiên nó vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu không điều trị kịp thời. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp ở trẻ mà mẹ cần lưu ý:

  • Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát: Khi các phỏng nước thủy đậu vỡ, nếu việc vệ sinh cơ thể trẻ không được đảm bảo, vi khuẩn dễ xâm nhập vào các tổn thương, gây ra trình trạng bội nhiễm với dấu hiệu tương đối điển hình (trên các tổn thương xuất hiện mủ trắng, lan rộng, sau khi khỏi thường để lại sẹo). 
  • Viêm não, viêm màng não: Tỷ lệ mắc ở người lớn cao hơn ở trẻ nhỏ, nhưng không vì vậy mà mẹ chủ quan. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, dễ để lại hậu quả nặng nề cho trẻ. Do đó, khi trẻ có những biểu hiện như  sốt cao, đau đầu hoặc có rối loạn tri giác…,mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
  • Viêm phổi: Thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 5 của bệnh với biểu hiện ho nhiều, đau tức ngực, có thể khó thở.
  • Viêm cầu thận cấp: Bệnh diễn biến nặng phức tạp, gây tổn thương tại thận với nhiều triệu chứng khác nhau như phù, tiểu máu…
  • Viêm gan: Triệu chứng thường âm thầm khó nhận biết trẻ chỉ biểu hiện chán ăn, khó tiêu, buồn nôn, hệ miễn dịch suy giảm.
  • Viêm khớp tràn dịch: Thường gặp ở thể nặng, khớp tràn dịch, hiếm khi có mủ.
  • Viêm hầu họng, thanh quản: Do phỏng nước thủy đậu mọc trong niêm mạc miệng, thanh quản gây ra tình trạng viêm.
  • Bệnh Zona thần kinh: Virus gây thủy đậu ái lực cao với tổ chức thần kinh, bình thường sẽ tồn tại trong các hạch thần kinh, khi cơ thể miễn dịch suy giảm virus sẽ tấn công vào các dây thần kinh gây bệnh zona.
  • Còn rất nhiều biến chứng nặng khác có thể gặp do thủy đậu như: Viêm cơ tim, Viêm hạch lympho…

5. Cách chữa bệnh trái rạ ở trẻ em

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh trái rạ ở trẻ em. Chính vì vậy chăm sóc giảm nhẹ và điều trị triệu chứng là biện pháp duy nhất khi trẻ bị trái rạ (thủy đậu).

Một số biện chăm sóc trẻ bị trái rạ (thủy đậu) mẹ có thể áp dụng:

  • Cách ly trẻ bị thuỷ đậu với những trẻ lành khác, tránh tiếp xúc với nhiều người vì có thể lây lan bệnh và dễ bị bội nhiễm do vi khuẩn.
  • Nên cho trẻ mặc quần áo mềm thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi, nằm ở phòng rộng rãi, thoáng mát tránh bị gió lùa.
  • Cho trẻ sử dụng đồ dùng cá nhân như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa riêng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, kín gió.
  • Cắt móng tay cho trẻ, tuyệt đối không để trẻ gãi làm bể phỏng nước dễ gây nên tình trạng bội nhiễm da ở trẻ.
  • Mẹ nên vệ sinh cơ thể trẻ bằng nước ấm hoặc các dung dịch sát khuẩn nhằm tránh nguy cơ bội nhiễm cho trẻ.

Một số hướng dẫn điều trị triệu chứng trái rạ ở trẻ em mà mẹ có thể tham khảo:

  • Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của con bằng nhiệt kế:
    • Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, mẹ dùng khăn ấm hoặc khăn hạ sốt thảo dược lau chườm toàn thân cho trẻ, đặc biệt ở một số vùng có mạch máu lớn đi qua như bàn tay, bàn chân, nách bẹn để nhanh hạ nhiệt.
    • Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt (thông thường là Paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi lần uống cách nhau 4 – 6 giờ, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ). Trường hợp trẻ khó uống, mẹ có thể dùng paracetamol dạng viên đạn đặt trực tràng để hạ sốt cho con.
  • Bù đủ dịch cho trẻ bằng đường uống (do sốt cao dễ gây ra hiện tượng mất nước, rối loạn điện giải ở trẻ): Cho trẻ uống oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây như nước dừa, cam, chanh cũng rất tốt cho trẻ. 
  • Bôi Methylen để hạn chế bội nhiễm, tuyệt đối không sử dụng vôi mỡ Tetraxiclin, mỡ Penixilin, thuốc đỏ bôi lên vùng phỏng nước của trẻ.
  • Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm.
  • Có thể dùng kháng Histamin để giảm ngứa cho trẻ.
  • Bổ sung thêm các vitamin nhóm B và C.

Chăm sóc và theo dõi trẻ khi trẻ bị thuỷ đậu là cực kì cần thiết để kịp thời phát hiện, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra đối với trẻ.

6. Giải đáp một số thắc mắc về bệnh trái rạ ở trẻ

6.1. Trẻ bị trái rạ (thủy đậu) bao lâu thì khỏi?

Bệnh trái rạ ở trẻ em là một bệnh lý lành tính và thường diễn biến qua 4 giai đoạn (nung bệnh, khởi phát, toàn phát, hồi phục). Tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của trẻ mà các giai đoạn diễn ra nhanh hay chậm và thông thường từ khi có triệu chứng đến khi hoàn toàn bình phục khoảng 7 – 10 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài 2 – 3 tuần.

6.2. Trẻ bị trái rạ (thủy đậu) cần kiêng gì?

Khi trẻ bị thuỷ đậu, mẹ cần lưu ý:

  • Cách ly trẻ với những trẻ lành khác, tránh tiếp xúc với nhiều người.
  • Tuyệt đối không để trẻ gãi làm bể phỏng nước dễ gây nên tình trạng bội nhiễm da ở trẻ.
  • Tránh sử dụng chung đồ cá nhân vì có nguy cơ làm lây lan bệnh trong gia đình.
  • Không nên cho trẻ tắm lá vì dễ gây nhiễm trùng da, bội nhiễm ở trẻ dễ để lại sẹo trên da.
  • Không bôi kháng sinh lên vùng da tổn thương.

Những thực phẩm trẻ bị thủy đậu nên kiêng:

  • Thực phẩm tanh như tôm, cua, thịt gà… (vì dễ gây dị ứng, khiến trẻ ngứa nhiều hơn).
  • Thực phẩm cay, nóng (do thực phẩm cay nóng gây nóng cơ thể làm tăng tiết mồ hôi, dễ gây tình trạng bội nhiễm, khó chịu cho trẻ).
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa (đây là những thực phẩm kích thích tăng tiết dịch nhờn trên da).
  • Đồ ăn mặn

6.3. Bệnh trái rạ (thủy đậu) có lây không?

Bệnh trái rạ ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm và dễ lây theo đường hô hấp do hít phải virus trong nước bọt và dịch họng của bệnh nhân bắn ra môi trường xung quanh khi bệnh nhân ho, hắt hơi. 

Ngoài ra bệnh còn lây do tiếp xúc với dịch tiết từ phỏng nước của người thủy đậu.

Bệnh thủy đậu có lây không

6.4. Phòng thủy đậu cho trẻ thế nào?

Để hạn chế nguy cơ mắc thuỷ đậu ở trẻ, mẹ lưu ý:

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh
  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, đây là biện pháp hữu hiệu nhất giúp phòng bệnh thủy đậu cho trẻ nhỏ.

Có thể mẹ quan tâm:

Tiêm thủy đậu có sốt không? Nên tiêm vaccine loại nào?

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết về dấu hiệu và cách điều trị trái rạ ở trẻ em mà chuyên gia gửi đến các mẹ. Nếu mẹ còn băn khoăn gì về tình trạng của con khi bị sốt nhiễm khuẩn hay phương pháp chăm sóc con, mẹ có thể liên hệ hotline 0915 610 435 để được chuyên gia tư vấn mẹ nhé!

29 thoughts on “Trái rạ ở trẻ em: 4 giai đoạn và cách chữa nhanh khỏi

  1. Avatar
    Lệ says:

    Bệnh thủy đậu thực sự rất nguy hiểm, vì nó còn để lại hậu quả về sau, nếu bm ko biết chăm sóc con đúng cách. Bài báo đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm bổ ích và cần thiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook