Thực hư về công dụng và mức độ an toàn của miếng dán hạ sốt

Miếng dán hạ sốt là sản phẩm vô cùng quen thuộc với mỗi gia đình có trẻ nhỏ. Một số mẹ tin tưởng sử dụng miếng dán cho con, một số khác lại cho rằng miếng dán không có tác dụng hạ sốt và có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Vậy thực chất miếng dán có tác dụng không? có an toàn cho trẻ không? Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Miếng dán hạ sốt cho trẻ

1. Miếng dán hạ sốt là gì?

Thực chất miếng dán hạ sốt là miếng dán lạnh có tác dụng hạ nhiệt. Nó hoạt động theo cơ chế hấp thụ và phân tán nhiệt. Hiểu đơn giản là khi mẹ dán lên trán trẻ, nhiệt nóng từ cơ thể bé sẽ truyền sang miếng dán.

2. Thành phần của miếng dán 

Phần lớn các miếng dán hạ nhiệt trên thị trường đều có thành phần chính là hydrogel. Một số loại miếng dán có thêm thành phần khác như tinh dầu bạc hà. Cụ thể:

  • Hydrogel: Là một mạng lưới 3D gồm các polymer có khả năng hút một lượng nước lớn ở vùng da được dán lên. 
  • Tinh dầu bạc hà: Được chưng cất từ cây bạc hà, có tác dụng làm mát da, khiến bé cảm thấy dễ chịu ngay khi dán.

3. Miếng dán hạ sốt có thật sự giúp hạ sốt?

Miếng dán hạ sốt CÓ giúp hạ sốt, nhưng tác dụng không đáng kể, chỉ phù hợp khi bé sốt nhẹ dưới 38.5 độ C.  Bởi miếng dán chỉ có tác dụng tại vị trí dán, không hạ sốt toàn thân cho bé. Hơn nữa, cơ chế hạ sốt của miếng dán là cơ chế trao đổi nhiệt , khi nhiệt độ cơ thể cân bằng với miếng dán thì quá trình truyền nhiệt kết thúc, miếng dán không giúp hạ sốt nữa.

Ngoài ra, tác dụng của miếng dán kéo dài khoảng 2 – 4h, có trường hợp chỉ kéo dài 1h. Miếng dán chỉ tập trung vào triệu chứng, không tác dụng vào nguyên nhân gây sốt nên không giúp bé “dứt điểm” cơn sốt đâu ạ!

Miếng dán hạ sốt chỉ làm mát tại vị trí dán

4. Cách dùng miếng dán hạ sốt đúng và an toàn

Cách dùng cực đơn giản nhưng nhiều người dùng sai, làm giảm tác dụng, thậm chí gây kích ứng da bé. Mẹ lưu ý một số thông tin dưới đây để miếng dán phát huy công dụng hạ sốt tốt nhất nhé!

4.1. Thời điểm sử dụng

Mẹ có thể dùng miếng dán khi trẻ sốt dưới 38.5 độ C để giúp trẻ mát, dễ chịu hơn. Khi trẻ sốt cao trên 38.5 độ C, mẹ kết hợp miếng dán hạ sốt với sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để bé hạ sốt nhanh, tránh biến chứng nguy hiểm do sốt cao như: Co giật, trụy tuần hoàn,…

4.2. Thời gian sử dụng

Mẹ chỉ nên dán từ 2 – 3 hoặc 3 – 4 tiếng đồng hồ tùy loại miếng dán, không dán quá lâu vì có thể gây kích ứng da trẻ, khiến trẻ thấy khó chịu,… 

Lưu ý: Nếu dán miếng dán buổi đêm, mẹ nên hẹn giờ để bỏ miếng dán ra cho bé, không dán qua đêm mẹ nhé! 

Không nên dán miếng dán hạ sốt cho trẻ qua đêm

4.3. Cách bóc và dán miếng dán

Mẹ bóc lớp vỏ nilon dán phía trên lớp gel dính và dán cho trẻ. Thông thường mẹ hay dán miếng dán lên trán con, nhưng vị trí này có ít các mạch máu lớn đi qua dẫn đến tác dụng hạ sốt không đáng kể. Thay vào đó mẹ nên dán vào các vị trí như nách, bẹn,… sẽ giúp trẻ hạ sốt nhanh hơn.

4.4. Bảo quản miếng dán

Để đảm bảo miếng dán giữ nguyên tác dụng, mẹ nên bảo quản miếng dán ở nơi thoáng mát nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh nắng trực tiếp, độ ẩm dưới 70%. Ngoài ra, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và trước khi dán cho con mẹ lấy ra để ở nhiệt độ thường 10 – 15 phút để miếng dán bớt lạnh, bé không bị sốc nhiệt mẹ nhé!

4.5. Lưu ý quan trọng khi dùng miếng dán

4.5.1. Đối tượng không nên dùng miếng dán hạ nhiệt 

Không nên dùng miếng dán hạ nhiệt cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Miếng dán có tinh dầu bạc hà, khi dán ở trán gần mắt, mũi và chỉ cố định tại 1 chỗ, bé có thể hít phải tinh dầu menthol nhiều gây kích ứng, ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng miếng dán nếu:

  • Trẻ dị ứng với hydrogel.
  • Trẻ bị viêm phổi (menthol kích thích khiến hệ hô hấp phải hoạt động nhiều hơn, tăng việc sử dụng oxy khiến bệnh nặng hơn).

4.5.2. Tác hại của miếng dán hạ nhiệt 

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, miếng dán có một số tác hại sau:

  • Có thể gây biến chứng nặng nề do sốt: Hiểu nhầm miếng dán có tác dụng hạ sốt như thuốc, mẹ thường chủ quan không thường xuyên theo dõi nhiệt độ và không cho trẻ uống thuốc hạ sốt kịp thời có thể dẫn đến tình trạng sốt cao co giật và biến chứng nguy hiểm khác.
  • Kích ứng da: Da trẻ nhạy cảm do đó có thể bị kích ứng khi tiếp xúc lâu với thành phần của miếng dán.
  • Ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Dùng tinh dầu bạc hà (Menthol) nguy hiểm cho trẻ dưới 3 tháng tuổi vì có thể gây kích ứng hô hấp.

Do đó, mẹ nên cân nhắc giữa lợi ích và tác hại để quyết định xem có nên sử dụng miếng dán hạ nhiệt cho trẻ hay không.

Tác hại của miếng dán hạ sốt

4.5.3. Một số lưu ý khác

  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem có phù hợp với tình trạng bệnh của con không
  • Mua miếng dán của thương hiệu uy tín từ nơi cung cấp uy tín (nhà thuốc,…).
  • Không dán vào vị trí tiêm chủng hoặc vùng da bị tổn thương hoặc lưng, lòng bàn chân
  • Không dùng cho bé có tiền sử dị ứng hoặc gặp các vấn đề về hô hấp
  • Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của bé trong suốt quá trình sử dụng, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như ngứa da, khó thở, sốt cao, co giật,… cần ngưng sử dụng và đứa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

5. Phương pháp hạ sốt an toàn được chuyên gia khuyên dùng

Nhiều chuyên gia khuyên mẹ nên sử dụng khăn lau hạ sốt để có tác dụng toàn thân, giúp bé hạ sốt nhanh hơn, an toàn hơn. Vậy khăn lau hạ sốt khác gì miếng dán? Mẹ theo dõi bảng so sánh dưới đây!

Tiêu chí Miếng dán hạ sốt Khăn lau hạ sốt
Thành phần Hydrogel, tinh dầu bạc hà. Dịch chiết thảo dược, gel cấp ẩm tự nhiên, nhóm dưỡng ẩm làm mềm da và khăn cotton.
Mức độ hiệu quả Tác dụng hạ sốt kém do chỉ dán tại 1 vị trí. Tác dụng hạ sốt nhanh hơn do lau chườm toàn thân, diện tích tiếp xúc lớn.
Mức độ an toàn Tiềm ẩn nhiều nguy cơ (biến chứng khi sốt cao, kích ứng da, ảnh hưởng hô hấp) Đã được nghiên cứu phù hợp với từng đối tượng và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Mức độ tiện lợi Rất tiện lợi, chỉ cần dán, mẹ không cần ngồi cạnh lau chườm liên tục cho bé.  Tốn thời gian hơn (cần lau liên tục trong 15 phút).

6. Hỏi – đáp về miếng dán

6.1. Trẻ sốt bao nhiêu độ thì dán miếng dán?

Bé sốt trên 38 độ C là mẹ có thể dùng miếng dán cho con rồi. Tuy nhiên, mẹ lưu ý: Nếu bé sốt cao trên 38.5 độ C, mẹ dùng miếng dán kết hợp cho bé uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ/dược sĩ để hạ sốt nhanh, tránh tác dụng phụ do sốt cao như: trụy tuần hoàn, sốc, co giật,…

6.2. Có nên để miếng dán trong tủ lạnh?

Như đã chia sẻ ở trên, mẹ có thể để miếng dán trong tủ lạnh để bảo quản tốt hơn. Khi muốn dùng cho bé, mẹ nên bỏ ra trước 10 – 15 phút, đợi miếng dán bớt lạnh rồi mới sử dụng, tránh gây sốc nhiệt nguy hiểm cho bé.

Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng và mức độ an toàn của miếng dán hạ sốt. Hy vọng bài viết trên giúp mẹ hiểu rõ hơn về miếng dán này để đảm bảo sử dụng an toàn cho trẻ!

 

One thought on “Thực hư về công dụng và mức độ an toàn của miếng dán hạ sốt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook