5 triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ điển hình tuyệt đối không được nhầm lẫn

Thời tiết giao mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để siêu vi trùng (virus) sinh sôi và phát triển gây sốt siêu vi. 

Để phát hiện và điều trị kịp thời, mẹ cần nắm chắc triệu chứng sốt siêu vi, dấu hiệu điển hình ở trẻ. Từ đó, có những cách xử trí, chăm sóc khoa học, hiệu quả, tránh chủ quan và khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn. 

1. Sốt siêu vi là gì? 

Bác sĩ CKII. Lê Thanh Chương – Trưởng khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày khoa Hồi sức Hô hấp tiếp nhận 5-10 trẻ điều trị các bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus kèm theo sốt. Nhiễm virus có sốt thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ấm, đặc biệt là mùa đông xuân.

Sốt siêu vi (hay còn gọi là sốt virus) là phản ứng sốt ở trẻ khi nhiễm một loại virus nào đó, điển hình như Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, virus cúm, Enterovirus,... Sốt virus có thể đơn thuần và tự khỏi nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác, gây diễn biến nặng tùy vào từng loại virus và cơ địa của trẻ.

Nguyên nhân sốt siêu vi ở trẻ là do virus
Nguyên nhân sốt siêu vi ở trẻ là do virus

2. Điểm danh 5 triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ

Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ do các tác nhân siêu vi khác nhau gây ra nhưng đều có những đặc điểm chung cần đặc biệt chú ý 

  • Sốt: Triệu chứng điển hình nhất, thường là sốt cấp tính, từ 38 đến 39 độ C, thậm chí 40 đến 41 độ C. Trẻ bị sốt kéo dài 3 đến 5 ngày, ít khi quá 7 ngày,  Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Trường hợp trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật, tăng tiết đàm nhớt dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não.
  • Đau nhức cơ thể: Khi đau nhức cơ thể trẻ thường kêu đau khắp mình. Với trẻ nhỏ hơn thì có thể quấy khóc, Một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo. Đau nhức cơ thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến bỏ bú, chán ăn.
  • Triệu chứng đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp cũng thường gặp ở trẻ sốt siêu vi, điển hình như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…
  • Triệu chứng đường tiêu hóa: nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa thì triệu chứng đường tiêu hóa xuất hiện sớm, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là tiêu lỏng, không có máu, chất nhầy.
  • Phát ban: Một số trẻ phát ban khu trú ở mặt, chi hoặc toàn thân sau 2 – 3 ngày sốt. Nhưng khi ban xuất hiện thì trẻ cũng giảm sốt. Triệu chứng sốt siêu vi phát ban này rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng sốt xuất huyết, mẹ nên lưu ý.
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ

3. Biến chứng nguy hiểm của sốt siêu vi 

Nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách. Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng; chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…

Trong đó, biến chứng sốt siêu vi ở trẻ em phổ biến nhất là viêm phổi. Đường hô hấp bị nhiễm trùng nặng có nguy cơ gây tổn thương mô phổi, từ đó dẫn đến suy hô hấp do rối loạn quá trình trao đổi khí. Thêm vào đó, viêm phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh liên quan đến hệ hô hấp ở trẻ nhỏ. Do đó, mẹ cần có phương pháp chăm sóc trẻ hợp lý để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng.

4. Cách chăm sóc trẻ khi sốt siêu vi

Trong cơn sốt

Khi trẻ đang trong cơn sốt, điều quan trọng nhất mẹ cần làm là kiểm soát nhiệt độ của trẻ và bù lượng nước đã mất đi cho trẻ.

  • Cho trẻ mặc thoáng mát: Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, trắng để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt (thông thường là Paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi lần uống cách nhau 4 – 6 giờ, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ). Để trẻ cảm thấy dễ chịu và hạ sốt nhanh hơn mẹ có thể kết hợp lau chườm hạ sốt trong trường hợp này.
  • Lau chườm: Đây là phương pháp hạ sốt chuyên gia khuyên dùng khi trẻ sốt ở bất kì nhiệt độ nào. 

Cách dùng: lấy khăn ấm hoặc khăn hạ sốt thảo dược lau chườm toàn thân cho trẻ, đặc biệt ở một số vùng có mạch máu lớn đi qua như bàn tay, bàn chân, nách bẹn để nhanh hạ nhiệt. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 – 30 phút, mẹ ngưng lau chườm khi nhiệt độ dưới 38 độ C.

  • Bù nước: Khi bị sốt, thân nhiệt tăng cao sẽ khiến trẻ nhỏ bị mất nước. Ba mẹ chú ý bổ sung đủ bước và nếu cần nên bù nước điện giải bằng cách uống Oresol. 
Lau chườm là phương pháp hiệu quả giúp trẻ hạ sốt
Lau chườm là phương pháp hiệu quả giúp trẻ hạ sốt

Sau cơn sốt

Mẹ cần chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ để tăng tốc độ hồi phục cho trẻ. 

  • Dinh dưỡng: Những bé lớn hơn có thể ăn cháo, súp hoặc những món dạng lỏng. Các món này có thể đồng thời vừa cung cấp dinh dưỡng cho trẻ, vừa cân bằng mật độ chất lỏng trong cơ thể.
  • Chống bội nhiễm: Mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Cho trẻ nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natri Clorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Mẹ cần chú ý cách ly trẻ không cho đến trường (vì bệnh có thể gây thành dịch).

Vậy là mẹ đã cùng chuyên gia tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ. Khi đã nắm rõ tình hình bệnh của trẻ, mẹ hãy áp dụng cách chăm sóc trẻ hiệu quả, an toàn, khoa học để giúp con nhanh chóng khỏe mạnh mẹ nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook