Hướng dẫn phòng và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Đầu mùa mưa là thời điểm vô cùng thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Khi trẻ bị sốt xuất huyết thường dễ diễn biến nặng do đó phụ huynh cần đặc biệt lưu ý trong việc phòng chống và chăm sóc trẻ.

Điều trị các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ tại nhà 

Cho bé nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, hạn chế vận động trong thời gian bé bị sốt xuất huyết.

Kiểm soát cơn sốt

Để cắt cơn sốt cho trẻ, ba mẹ cho trẻ uống Acetaminophen (hay Paracetamol) theo đúng hướng dẫn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Chú ý, trẻ sốt xuất huyết tuyệt đối không sử dụng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt.

Trẻ uống thuốc hạ sốt

Ngăn ngừa mất nước

Sốt cao, nôn mửa hoặc không uống đủ nước,…là nguyên nhân khiến cơ thể mất nước.

Dấu hiệu trẻ mất nước nhẹ đến trung bình

Khi trẻ mất nước mức độ nhẹ thường có các biểu hiện sau:

  • Đi tiểu ít hơn
  • Khô miệng, lưỡi, môi
  • Ít hoặc không có nước mắt khi khóc
  • Xuất hiện điểm mềm, trũng ở đầu

Trong trường hợp này, việc ba mẹ cần làm là bổ sung đầy đủ nước cho trẻ.

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước điện giải (oresol), nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc súp, cháo loãng pha với muối để giúp cơ thể bé cân bằng điện giải.

Không nên ép trẻ ăn nhiều một lúc mà nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Thức ăn cần lỏng, dễ tiêu, không nên dùng thực phẩm, nước uống sẫm màu để tránh nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Dấu hiệu trẻ mất nước nghiêm trọng

Trẻ sốt xuất huyết khi gặp tình trạng mất nước nghiêm trọng thường có các biểu hiện sau:

  • Buồn ngủ, mệt mỏi, quấy khóc
  • Mắt trũng
  • Bàn chân, bàn tay lạnh
  • Đi tiểu 1 – 2 lần mỗi ngày

Ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu trở nặng trên.

Trẻ sốt xuất huyết

Trẻ sốt xuất huyết: đặc biệt lưu ý giai đoạn trẻ hết sốt 

Mặc dù hết sốt nhưng giai đoạn tiếp theo của sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn và có thể gây nguy hiểm.

Các dấu hiệu cảnh báo thường bắt đầu sau 24 – 48 giờ sau khi trẻ hết sốt.

Theo nghiên cứu, trong khoảng 20 người mắc sốt xuất huyết sẽ có 1 người tiến triển thành sốt xuất huyết nặng. Những trường hợp này cần nhập viện và có thể đe dọa tới tính mạng.

Nếu trẻ có bất kỳ các dấu hiệu nào sau đây hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức:

  • Đau bụng, xuất hiện máu trong phân
  • Nôn ói đột ngột, liên tục (nhiều hơn 3 lần/24h), nôn ra máu
  • Chảy máu mũi hoặc nướu
  • Trẻ vật vã. lừ đừ, cáu kỉnh
  • Da xung huyết nhưng chân tay lạnh ngắt
  • Trẻ khó thở, tím tái

Trẻ sốt xuất huyết mấy ngày thì khỏi?

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết từ 3 – 14 ngày tùy vào thể trạng và sức đề kháng của trẻ. Bệnh thường tiến triển nhanh kéo dài trong khoảng 7-10 ngày qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn sốt (giai đoạn phát bệnh): trẻ sốt liên tục trong 3-7 ngày đầu.
  • Giai đoạn nguy hiểm (giai đoạn trẻ hết sốt): thường kéo dài từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7.
  • Giai đoạn phục hồi: vượt qua giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ hồi phục trong 2-3 ngày sau đó.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu chữa sốt xuất huyết và vaccine phòng bệnh. 

Do đó, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hữu hiệu nhất là chủ động kiểm soát, tiêu diệt trung gian truyền bệnh như diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi trưởng thành; hạn chế muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống,…

Phòng chống muỗi đốt

Ba mẹ có thể phòng muỗi đốt cho bé bằng các biện pháp sau:

  • Mặc quần áo dài tay cho bé
  • Cho bé ngủ trong màn cả ban ngày và ban đêm
  • Bôi kem xua muỗi
  • Dùng bình xịt, hương, vợt diệt muỗi trong nhà

Phòng sốt xuất huyết

Tiêu diệt lăng quăng bọ gậy

Hãy loại bỏ nơi sinh sống và hạn chế muỗi sinh sản, tiêu diệt lăng quăng bọ gậy bằng cách:

  • Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng
  • Thả các loại cá như cá bảy màu, cá rô phi, cá chép,…vào dụng cụ chứa nước để cá ăn lăng quăng/bọ gậy.
  • Thường xuyên thau rửa vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước
  • Vệ sinh sạch sẽ trong nhà và môi trường xung quanh, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến.
  • Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông…

Phối hợp phòng dịch

Mỗi gia đình cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Hy vọng bài viết trên đã giúp ba mẹ hiểu. Nếu ba mẹ còn thắc mắc về vấn đề này hãy để lại câu hỏi bên dưới hoặc liên hệ qua hotline 0915 610 435 để được tư vấn chi tiết.

28 thoughts on “Hướng dẫn phòng và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

    • Avatar
      Dược sĩ says:

      Chào mom! Đội ngũ chuyên gia Nhãn hàng Dr.Papie luôn cung cấp những thông tin bổ ích nhất tới khách hàng. Theo dõi bài viết tiếp theo để được chuyên gia Dr.Papie chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook