Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ sơ sinh theo 4 giai đoạn

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Với đặc tính dễ lây, nhiều biến chứng, sởi đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy bệnh sởi ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào? Có những biểu hiện gì? Cách chăm sóc và điều trị trẻ bị sởi ra sao? Mẹ tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!

Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh

1. Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh diễn biến nhanh, dễ trở nặng

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Polinosa morbillarum, hình cầu, thuộc họ Paramyxoviridae gây ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh là đối  tượng đặc biệt cần lưu ý do bệnh dễ diễn biến nhanh và trở nặng. 

Vậy tại sao trẻ sơ sinh mắc sởi lại dễ diễn biến nhanh, dễ trở nặng?

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện: miễn dịch của trẻ trong 6 tháng đầu chủ yếu được hưởng di truyền của người mẹ, từ tháng thứ 6 trở đi, miễn dịch mẹ truyền cho con sẽ bắt đầu suy giảm. Do đó đây là giai đoạn trẻ rất dễ mắc sởi. 
  • Đặc tính dễ lây của virus sởi: Sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi (Trên thực tế virus sởi có thể tồn tại trong không khí đến 2 giờ, nó dễ lây lan đến mức nếu một người mắc bệnh thì có đến 90% những người tiếp xúc với người đó cũng sẽ bị nhiễm bệnh nếu không được bảo vệ).
  • Virus sởi nhân lên nhanh: cuối thời kỳ ủ bệnh virus sởi sẽ nhanh chóng phát tán vào máu, hệ thống bạch huyết. Thông qua máu và hệ thống bạch huyết đến gây tổn thương ở các cơ quan như não, phổi, gan… từ đó gây ra nhiều biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, mất thính giác…
  • Độc lực mạnh: Virus sởi gây suy giảm miễn dịch ở trẻ, dễ dẫn đến tình trạng bội nhiễm, gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ.
  • Chưa có thuốc điều trị sởi: tiêm vacxin là biện pháp duy nhất giúp phòng bệnh sởi.

2. Dấu hiệu và hình ảnh bệnh sởi ở trẻ sơ sinh

Thông thường bệnh sởi ở trẻ sơ sinh diễn biến qua 4 giai đoạn (giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn hồi phục).

Giai đoạn 1: Giai đoạn ủ bệnh

  • Thời gian: Giai đoạn này thường kéo dài từ 10 – 14 ngày.
  • Biểu hiện: Giai đoạn ủ bệnh trẻ hoàn toàn chưa có biểu hiện triệu chứng nào, do đó rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn này.

Giai đoạn 2: Giai đoạn khởi phát

  • Thời gian: Kéo dài từ 2 – 4 ngày.
  • Biểu hiện:
    • Trẻ thường sốt nhẹ, vừa, sau đó sốt cao.
    • Viêm xuất tiết mũi họng (chảy nước mắt, chảy nước mũi, sưng nề mí mắt).
    • Nội ban (hạt Koplik) màu trắng nhỏ như đầu đinh ghim, mọc ở niêm mạc má ( phía trong miệng).
    • Hạch bạch huyết thường sưng.
Sởi ở niêm mạc
Hình ảnh hạt hạt Koplik màu trắng nhỏ như đầu đinh ghim, mọc ở niêm mạc má

Giai đoạn 3: Giai đoạn toàn phát

  • Thời gian: Kéo dài 2 – 5 ngày.
  • Biểu hiện:
    • Ban mọc vào ngày thứ 2 – 4 của bệnh với đặc tính: ban dát, sẩn nhỏ, nổi gờ trên mặt da, mọc rải rác hoặc thành từng đám kích thước 3 – 6 mm. Giữa các ban là khoảng da lành.
    • Mọc ban từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ sau lan đến thân mình và tứ chi và mất đi theo thứ tự đã mọc.
    • Trẻ sẽ có triệu chứng toàn thân nặng lên, sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt sẽ bắt đầu giảm.
Dấu hiệu sởi ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh ban dát, sẩn nhỏ, nổi gờ trên mặt da, mọc rải rác hoặc thành từng đám

Giai đoạn 4: Giai đoạn hồi phục

  • Ban nhạt dần rồi chuyển sang xám, bong vảy phấn sẫm màu.
  • Toàn thân trẻ sẽ hồi phục tuy nhiên có thể có ho 1 – 2 tuần sau khi hết ban.
Triệu chứng sởi ở trẻ
Hình ảnh ban nhạt dần rồi chuyển sang xám, bong vảy phấn sẫm màu

3. Trẻ bị bệnh sởi có nguy hiểm không?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ CDC, năm 2018 có hơn 140.000 người tử vong do bệnh sởi trên toàn thế giới. Con số tử vong tiếp tục tăng lên 207.500 người vào năm 2019. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

Đối với trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời (được thừa hưởng miễn dịch của người mẹ) thường mắc sởi thể nhẹ (trẻ không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm xuất tiết mũi họng nhẹ, ban thưa mờ và lặn nhanh). Tuy nhiên không vì thế mà cha mẹ chủ quan, trẻ rất dễ biến chứng nặng nếu lượng miễn dịch thừa hưởng của mẹ không đủ hoặc chế độ dinh dưỡng trẻ không tốt.

Đối với trẻ có độ tuổi từ 6 tháng tới 2 tuổi rất dễ bị sởi do sự suy giảm miễn dịch thừa hưởng của mẹ. Đây cũng là giai đoạn trẻ dễ mắc sởi thể nặng (ác tính) điển hình với các triệu chứng như sốt cao vọt 39 – 41 độ C, u ám, mê sảng, hôn mê, co giật, tím tái, ỉa lỏng, xuất huyết dưới da hoặc phủ tạng…

Một số biến chứng do sởi thể ác tính gây ra:

  • Viêm đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi…
  • Tổn thương thần kinh: Viêm não – màng não cấp tính, viêm tủy…
  • Tổn thương đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, Viêm ruột…
  • Tổn thương tai – mũi – họng: Viêm tai – xương chũm, viêm mũi họng bội nhiễm…
  • Tình trạng gây suy giảm hệ miễn dịch: Trẻ dễ mắc bệnh lao, bạch hầu, ho gà…

Do đó việc tiêm vacxin phòng sởi sớm là cực kì cần thiết, nhằm tạo cho trẻ một hệ miễn dịch chống lại bệnh sởi.

4. Điều trị bệnh sởi ở trẻ sơ sinh

4.1. Nguyên tắc điều trị bệnh sởi ở trẻ

Bệnh sởi đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Một số nguyên tắc điều trị bệnh sởi ở trẻ sơ sinh:

  • Tiến hành cách ly khi trẻ bị bệnh sởi.
  • Điều trị triệu chứng: Hạ sốt nếu trẻ bị sốt, có thể dùng an thần kết hợp với kháng histamin để làm giảm sự kích ứng khó chịu của trẻ, giảm ho, long đờm, bổ sung vitamin A liều cao theo khuyến cáo của WHO…
  • Kháng sinh chỉ dùng khi trẻ bị bội nhiễm.
  • Không dùng corticoid để điều trị trẻ bị sởi trừ trường hợp trẻ bị sởi ác tính. Sử dụng corticoid phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng nhẹ đầy đủ chất dinh dưỡng.

4.2. Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh bị bệnh sởi

Khi trẻ mắc sởi, trước tiên mẹ nên cách ly trẻ với trẻ lành để tránh sự lây lan của virus sởi. Trường hợp trẻ sốt:

  • Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), mẹ chưa cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt, dùng khăn ấm hoặc khăn hạ sốt thảo dược lau chườm toàn thân cho trẻ, đặc biệt ở một số vùng có mạch máu lớn đi qua như bàn tay, bàn chân, nách bẹn để nhanh hạ nhiệt.
  • Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt (thông thường là Paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi lần uống cách nhau 4 – 6 giờ, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ.

Ngoài ra mẹ cũng cần lưu ý:

  • Nhỏ mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% nhằm vệ sinh, hạn chế biến chứng mắt ở trẻ.
  • Cho trẻ súc miệng nước muối sinh lý thường xuyên nhằm hạn chế biến chứng viêm hầu họng.
  • Vệ sinh trẻ như tắm hàng ngày, thay quần áo, vệ sinh phòng sạch sẽ điều đó sẽ góp phần hạn chế biến chứng bội nhiễm có thể xảy ra đối với trẻ.
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất.
  • Bổ sung vitamin A liều cao theo khuyến cáo của WHO nhằm tăng khả năng hồi phục của trẻ bị sởi, hạn chế biến chứng mắt do sởi ở trẻ.
  • Đối với cha mẹ, cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

4.3. Đưa trẻ đi khám ngay nếu có các triệu chứng sau

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do đó mẹ nên để ý tới diễn biến bệnh của con để tránh gặp phải những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy những trẻ có những triệu chứng nào mẹ nên đưa trẻ đi khám?

  • Trẻ sốt cao liên tục 39 – 40 độ C hoặc sốt kéo dài trên 4 ngày.  
  • Trẻ có dấu hiệu của mất nước (môi khô, khát nước, nặng có thể có mạch nhanh, huyết áp tụt…).
  • Trẻ tiêu chảy, nôn ói, không ăn uống gì.
  • Trẻ co giật, ý thức lơ mơ.
  • Trẻ đau mắt, đau tai.
  • Trẻ ho nhiều, giọng khàn.
  • Trẻ có tổn thương giác mạc: loét giác mạc, đau mắt…

Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ

5. Hướng dẫn phòng bệnh sởi cho trẻ

Theo hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, mẹ cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sởi ở trẻ sơ sinh.

5.1. Tiêm vacxin phòng bệnh sởi

Tiêm vacxin phòng sởi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm cung cấp cho trẻ hệ miễn dịch hoàn hảo để chống lại bệnh sởi.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ CDC, trẻ từ 6 tháng tuổi trong vùng dịch lưu hành hoặc chuẩn bị tới vùng có dịch nên được tiêm phòng vắc xin sởi mũi 1. Tuy nhiên đáp ứng miễn dịch thấp và có thể bị trung hoà bởi kháng thể từ mẹ truyền sang.

Do đó, đối với những trẻ tiêm sởi đơn mũi 1 lúc 6 tháng tuổi nên được tiêm nhắc lại mũi 2 lúc 9 tháng tuổi và mũi 3 lúc 18 tháng tuổi.

Đối với vacxin tích hợp 3 trong 1 (sởi-quai bị-rubella), trẻ sẽ được tiêm mũi 1 khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 lúc trẻ 4 – 6 tuổi.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra khuyến nghị nên tiêm phòng cho trẻ sớm để đảm bảo an toàn phòng bệnh cho trẻ. Thông thường các cơ sở y tế sẽ nhắc các mẹ lịch tiêm phòng sởi cho trẻ. Tuy nhiên mẹ cũng nên chú ý để không bị bỏ lỡ lịch tiêm phòng mẹ nhé.

Xem thêm:

Tiêm phòng sởi có sốt không? Hướng dẫn hạ sốt cho trẻ

5.2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường.

Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường là một biện pháp rất cần thiết để phòng chống mắc sởi cho trẻ:

  • Cách ly trẻ bị mắc sởi tiếp xúc với trẻ lành.
  • Tắm rửa, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bị bệnh hay nghi ngờ bị bệnh sởi.
  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng sát khuẩn.
  • Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh ly 0,9% giúp hạn chế mắc bệnh của trẻ nhỏ. 

6. Giải đáp một số thắc mắc về bệnh sởi ở trẻ sơ sinh

6.1. Trẻ sơ sinh bị sởi tắm lá gì?

Trẻ sơ sinh bị sởi có nên tắm không là thắc mắc của khá nhiều mẹ. Đối với trẻ bị sởi, việc  tắm, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ là rất cần thiết, nhằm đề phòng bội nhiễm xảy ra đối với trẻ.

Mẹ có thể cho trẻ tắm bằng nước ấm hoặc nước ấm có pha với nước đun lá kinh giới hoặc lá trà xanh đều rất tốt. 

Do trong kinh giới có chứa lượng lớn tinh dầu, tinh dầu kinh giới có tác dụng kích thích lỗ chân lông giãn nở (hạ sốt), kháng khuẩn, hạn chế bội nhiễm do vi khuẩn. Còn trong trà xanh chứa một lượng lớn tanin, có tác dụng kháng khuẩn, giúp tổn thương da mau lành.

6.2. Trẻ sơ sinh bị sởi có kiêng gió không?

Theo quan niệm xưa, trẻ bị sởi nên kiêng ra gió, nhưng hiện chưa có căn cứ khoa học nào giải thích cho việc trẻ bị sởi cần kiêng gió.

Khi trẻ bị sởi, trẻ thường sốt cao, do đó mẹ nên cho trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thải nhiệt cũng như hạn chế ra mồ hôi ở trẻ (mồ hôi là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra tình trạng bội nhiễm ở trẻ).

Trên đây là toàn bộ các thông tin về bệnh sởi ở trẻ sơ sinh (dấu hiệu, mức độ nguy hiểm, cách thức chăm sóc, điều trị và phòng bệnh) mà mẹ cần nắm được. Trường hợp mẹ còn thắc mắc về các thông tin liên quan đến bệnh sởi hoặc cách chăm sóc, điều trị bệnh sởi ở trẻ, mẹ có thể liên hệ hotline 0915 610 435 để được các chuyên gia tư vấn mẹ nhé!

26 thoughts on “Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ sơ sinh theo 4 giai đoạn

  1. Avatar
    Nhung Nguyên says:

    Bệnh nào với trẻ nhỏ mà kg biết cách xử lí,mik thấy đều rất nguy hiểm.nay các bé đc tiêm văcxin sởi cũng như các loại khác nên bậc lm cha mẹ như mik cũng yên tâm hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook